Tảo hôn là một thực trạng không khó để bắt gặp ở nhiều địa phương ở nước ta. Đây là hủ tục lạc hậu ảnh hưởng tới sự phát triển của thanh thiếu niên. Vậy tảo hôn là gì? Tại sao gọi tảo hôn là hủ tục và hậu quả khó lường của vấn nạn tảo hôn là gì? Các bạn hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ là vấn nạn tảo hôn là gì nhé.
Tóm tắt nội dung
Tìm hiểu về tảo hôn là gì?
Theo điểm a khoản 1 Điều 8 trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có nêu rõ: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn. Cụ thể là nam với độ tuổi là đủ 20 tuổi trở lên và nữ với độ tuổi là 18 tuổi trở lên.

Cũng theo điểm b khoản 2 Điều 5 trong luật Hôn nhân và Gia đình cũng nói rõ tảo hôn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó khi xảy ra tình trạng tảo hôn, tức lấy vợ hay lấy chồng khi chưa đủ tuổi sẽ không được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền về việc làm giấy đăng ký kết hôn. Vì thế chúng ta có thể hiểu, việc kết hôn khi 1 hoặc cả hai người chưa đủ tuổi là hành động tổ chức “chui” không được chính quyền cho phép.
Về khái niệm tảo hôn là gì GDCD 9 đã được học rất rõ về hủ tục này nên có lẽ các bạn cũng hiểu rằng đây là thực trạng xảy ra khá nhiều ở nhiều nơi và đặc biệt là ở những địa phương nghèo, hoặc ở các dân tộc chịu ảnh hưởng của những hủ tục ngày xưa.
Như vậy đã có lời giải đáp cho câu hỏi tảo hôn nghĩa là gì rồi. Xin nhấn mạnh lại để các bạn nhớ rằng tảo hôn là việc kết hôn khi người nam hoặc nữ hoặc cả hai chưa đủ tuổi trưởng thành và đây là hành vi phạm pháp.
Vì sao lại có tình trạng tảo hôn?
Bác Hồ đã từng nói rằng: “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” thế nhưng thực tế là có không ít các em nhỏ mới 12,13 tuổi đã bị buộc nghỉ học để ở nhà “lập gia đình”. Đáng trách thay những người cho các em “kết hôn trước tuổi” lại chính là cha mẹ, người thân của các em.
Ở cái độ tuổi đáng lẽ ra vẫn được cắp sách tới trường học tập chơi đùa cùng bạn bè thì nhiều em lại phải ở nhà làm bố. làm mẹ của những đứa trẻ. Hủ tục tảo hôn đã có từ rất lâu ở các vùng dân tộc thiểu số và nó kéo dài đến tận bây giờ.

Sau đây sẽ là một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn hiện nay:
- Ảnh hưởng của hủ tục ngày xưa tại những vùng dân tộc thiểu số.
- Do trình độ dân trí thấp, chưa hiểu biết về pháp luật cũng như hậu quả nặng nề mà vấn nạn tảo hôn mang lại.
- Việc xử lý vi phạm về vấn nạn tảo hôn chưa mạnh, chưa quyết liệt và chưa có tính răn đe mạnh.
- Công tác tuyên truyền vận động chưa được phổ biến và rộng rãi, những chương trình phổ cập kiến thức về luật Hôn nhân và Gia đình còn ít và không rải đều ở các khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa.
Tảo hôn bị phạt tiền như thế nào?
Tảo hôn là một hành vi bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Bởi vậy, những hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn đều bị xếp vào những hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Như vậy, vi phạm pháp luật về vấn đề tảo hôn sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn sẽ bị phạt hành chính chứ không phải là xử lý hình sự.

Vậy mức phạt là như thế nào, tảo hôn bị phạt bao nhiêu tiền? Theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn cho những người chưa đủ tuổi đều bị xử phạt hành chính với mức phạt cụ thể như sau:
- Hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ tuổi để kết hôn sẽ bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
- Đối với những hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Bên cạnh đó cũng có quy định mức phạt đối với những người tổ chức lấy vợ, chồng cho những người chưa đủ tuổi đã bị xử phạt hành chính trước đó mà vẫn tái phạm như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Thực trạng tảo hôn ở nước ta hiện nay
Tảo hôn là một vấn nạn xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, và Việt Nam là một trong số đó. Tại Việt Nam nạn tảo hôn được xem là một thực trạng nhức nhối và hết sức phức tạp vì nó xảy ra ở nhiều vùng miền khác nhau. Tuy nhiên những nơi tập trung nạn tảo hôn cao nhất vẫn là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo một thống kê, 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Cụ thể:
Các khu vực Trung du miền núi phía Bắc là khu vực có các tỉnh chiếm tỷ lệ tảo hôn cao hơn nhiều so với các vùng khác trong cả nước. Khảo sát trong độ tuổi 10 đến 17 tuổi, cứ 10 em trai thì có 1 em tảo hôn; cứ 5 em gái thì có 1 em tảo hôn. Như vậy tỷ lệ tảo hôn ở khu vực này rất cao, đặc biệt là đối với các bé gái (chiếm tới 20%).
Tiếp theo Tây Nguyên là khu vực tỷ lệ tảo hôn xếp thứ hai sau khu vực Trung du miền núi phía Bắc với tỉ lệ 15,8 %; xếp sau đó là khu vực Đồng bằng sông Hồng 7,9% và Đông Nam bộ 8,1%. Nói riêng về các tỉnh thành thì các tỉnh miền núi phía bắc chiếm tỷ lệ rất cao bao gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai.
Như vậy chúng ta có thể thấy, ngày nay khi mà cuộc sống phát triển kinh tế hội nhập nhưng hủ tục tảo hôn vẫn còn len lỏi ở những nơi nghèo khổ, thiếu kiến thức khiến cho việc vận động và tuyên truyền loại bỏ tục tảo hôn khá khó khăn.
Tác hại của vấn nạn tảo hôn
Bởi còn khá nhiều người không hiểu tảo hôn là gì nên vẫn cứ “ngang nhiên” thực hiện hành vi phạm pháp mà không lường trước được những hậu quả lớn sau đó.

Để các bạn có cái nhìn đa chiều hơn về hủ tục lạc hậu này, tôi sẽ đưa ra những minh chứng cụ thể về tác hại của tảo hôn để tất cả chúng ta đều có ý thức loại bỏ vấn nạn này ra khỏi cuộc sống hiện đại.
Tảo hôn không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Tảo hôn là nguyên nhân làm gia tăng nhanh số lượng đồng thời giảm chất lượng dân số. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn thường có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.
Nạn tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tinh thần và sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là với các trẻ em gái. Bởi vì kết hôn lúc chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, dẫn đến việc mang thai, sinh đẻ và nuôi con sớm sẽ làm chậm quá trình phát triển về thể chất tự nhiên của con người. Về lâu dài sẽ dẫn tới thoái hóa sớm và xuất hiện các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của tất cả mọi người trong gia đình.
Một khi các em nhỏ bị ép tảo hôn cũng chính là lúc các em bị ép nghỉ học, không còn cơ hội đến trường học tập, không được sống với đúng lứa tuổi của các em. Điều đó khiến tương lai của các em sẽ bị khép lại bởi hủ tục mang tên tảo hôn.
Như vậy chúng tôi vừa tổng hợp những thông tin liên quan tới tảo hôn. Mong rằng khi đã biết tảo hôn là gì và tác hại của tảo hôn là gì tới đời sống xã hội thì mỗi người trong chúng ta hãy luôn có thái độ phản đối quyết liệt với những hành vi tổ chức tảo hôn. Hãy luôn tuyên truyền, vận động và nâng cao ý thức của những người xung quanh về tác hại của hủ tục tảo hôn với mục đích xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn tảo hôn ra khỏi đời sống.